True
Free Shipping on above $50

 
DỰ ÁN HÓA DẦU LONG SƠN (SCGC)
TP Vũng Tàu, Tỉnh BR-VT

Dự án "khủng" 5.4 tỷ USD của ngành hóa dầu Việt Nam

Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn là tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam. Dự án đặt tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, bao gồm nhà máy Olefin, nhà máy Polyethylene và các hạng mục liên quan như cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, có diện tích mặt đất là 464ha và diện tích mặt nước là 194ha (cho hệ thống cảng biển). 

Dự án có tổng công suất thiết kế 1,4 triệu tấn hạt nhựa olefin/năm, được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hoá dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác, giúp thay thế các sản phẩm polyolefin nhập khẩu cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn tại thị trường nội địa.

Khi đi vào vận hành thương mại, tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ tạo việc làm ổn định cho 10.000 lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Quan trọng hơn, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, tổ hợp hóa dầu tích hợp 5 tỷ USD này được kì vọng sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì và các ngành dịch vụ khác của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


Hành trình "lận đận" và quyết tâm lớn của SCG

Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 3,77 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,5 tỷ USD và tăng lên 5,4 tỷ USD vào giai đoạn cuối. Cùng với các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn, đây là dự án có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.

Ở thời điểm được cấp phép năm 2008, chủ đầu tư của dự án này - Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) - là liên doanh giữa Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan chiếm 53%; Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan (thuộc SCG) chiếm 18%; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) chiếm 18%; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chiếm 11%.

Cuối năm 2012, Vinachem tiến hành thoái toàn bộ vốn khỏi dự án với lý do muốn tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là các sản phẩm phi dầu khí và phân bón. Petrovietnam, dưới sự chấp thuận của Chính phủ, đã mua lại 11% cổ phần của Vinachem để nâng phần góp vốn lên 29% vào tháng 12/2014.



Cũng trong năm 2012, Qatar Petroleum International (QPI) đã tham gia vào dự án bằng cách mua lại 25% cổ phần từ SCG, đi kèm với đó là hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động mà Qatar Petroleum chính là nhà cung cấp. Trước đó, vào năm 2009, Tập đoàn này đã kí kết thỏa thuận khung với SCG để đầu tư vào dự án.

Tuy nhiên, 3 năm sau ngày góp vốn, với lý do nằm trong định hướng tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển Tập đoàn, năm 2015 QPI đã bất ngờ rút khỏi dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân thực sự đằng sau quyết định này là do lo ngại của QPI sau khi trải qua khủng hoảng giá dầu toàn cầu nghiêm trọng vào năm 2014.

Lại rơi vào tình trạng thiếu vốn, Tập đoàn SCG đã nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư mua lại 25% của QPI song không thành công. Để cứu vãn, năm 2017, SCG đã phải tự chi 36,1 triệu USD để mua lại chính "miếng bánh" đã bán cho QPI 5 năm trước. Thương vụ được thực hiện thông qua công ty con của hai Tập đoàn là Vina SCG Chemicals (VSCG) và QPI Vietnam (QPIV). Sau thương vụ này, tỷ lệ góp vốn của SCG lại khôi phục về mốc 53%, mà thực tế là 71% nếu tính cả 18% của Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan cũng thuộc SCG.

Tháng 2/2018, tức 10 năm từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư, dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn chính thức khởi công, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2022.

Cũng trong năm 2018, SCG đã mua lại 29% cổ phần của Petrovietnam dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn, qua đó nắm giữ 100% cổ phần, trở thành chủ đầu tư duy nhất của dự án.

Sẽ "về đích" hoàn toàn trong quý IV/2023

Sau nhiều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ theo kịp kế hoạch, đến tháng 12/2022, LSP cuối cùng cũng chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động những hạng mục trọng điểm đầu tiên tại tổ hợp hoá dầu Long Son, bao gồm cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm.

Trong đó, hệ thống bồn bể là hệ thống lưu trữ và vận chuyển dầu và khí với công nghệ tiên tiến hàng đầu. Hệ thống bồn bể của LSP gồm 31 bồn bể chứa, chuyên dùng lưu trữ nguyên liệu trung gian, thành phẩm, sản phẩm phụ và sản phẩm trung gian.

Hệ thống bao gồm 4 loại bồn bể chứa chính: Bồn chứa hình mái nổi, Bồn chứa hình mái vòm, Bồn chứa hình cầu, Bồn chứa vách đôi; mỗi loại được thiết kế cho các loại vật liệu khác nhau. Bồn chứa lớn nhất có dung tích chứa khoảng 100.000m3 (đường kính 74m, bồn chứa naphtha).


Cảng Hydrocacbon nằm cách bờ khoảng 2,5km bao gồm 2 cầu cảng hydrocacbon và hệ thống đường ống trung chuyển để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm.

Hệ thống 2 cảng hydrocacbon này được thiết kế với công nghệ hàng đầu thế giới cho cảng và cầu cảng, đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất khi vận hành. Ngoài ra, hệ thống này có khả năng tiếp nhận tàu với trọng tải lên đến 100.000 DWT.

Nhà máy tiện ích trung tâm (Central Utility - CTU) là hạng mục quan trọng nhất của Tổ hợp, được xây dựng tại vị trí trung tâm với diện tích khoảng 100.000 m2. CTU sản xuất điện, hơi nước, nước đã qua xử lý, nước khử khoáng, nước sinh hoạt, không khí công nghiệp và không khí khô để phục vụ cho việc vận hành tổ hợp.

Tại đây, các công nghệ cao như đầu đốt NOx thấp (Low NOx Burner), ống khói khí tuần hoàn (Flue Gas Recirculation - FGR), công nghệ khử lưu huỳnh khí ống khói (Flue Gas Desulfurization - FGD) đã được đưa vào ứng dụng để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất và thân thiện với môi trường.

Trao đổi với báo chí ngày 27/8 vừa qua, ông Kitti Phadungchiwit - Phó Tổng Giám đốc LSP đã chính thức xác nhận, tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ đi vào vận hành thương mại trong quý IV/2023 và đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối năm nay.


Trích nguồn: Tạp chí Công thương- https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/to-hop-hoa-dau-long-son-hon-5-ty-usd-tai-vung-tau-sap-van-hanh-toan-bo-109859.htm



trong Tin tức
 
MILWAUKEE RED-TOUR DAVITA VUNGTAU 2023

To install this Web App in your iPhone/iPad press and then Add to Home Screen.